Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đã có phương án giảm bớt thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018

Tin tức sự kiện Tin hoạt động ngành  
Đã có phương án giảm bớt thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Thông tin về tình hình thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2018 được tổ chức chiều 19/6…

Mở đầu cuộc họp báo, nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà báo, đánh giá cao những đóng góp của báo chí trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và của ngành LĐ-TBXH nói riêng. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn  báo chí sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn với ngành LĐ-TB&XH  trong công tác thông tin, tuyên truyền giúp việc triển khai chính sách đạt hiệu quả.

Các mặt công tác ngành được thực hiện đồng bộ, hiệu quả

Thông báo về tình hình thực hiện các lĩnh vực của ngành trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực; công tác quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường và duy trì tốt trên các lĩnh vực của ngành; nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng; các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, có tiến bộ so với cùng kỳ năm 2017.

 

 Đã có phương án giảm bớt thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 - Ảnh 1

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin tại buổi họp báo


Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, ước thực hiện 6 tháng đầu năm, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 782 nghìn người, đạt 48,9% kế hoạch năm, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 725 nghìn người, đạt 48,6% kế hoạch, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm trước; đưa khoảng 57 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 51,8% kế hoạch và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.   

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2018 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,13%; khu vực nông thôn là 1,73%; dự kiến 6 tháng đầu năm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6 tháng đầu năm ước đạt là 57,6%.

Ngành tiếp tục hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động.; Thực hiện các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; đến 01/5/2018 có 13,79 triệu người lao động tham gia BHXH bắt buộc, 240 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp.

Về giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, ước thực hiện tuyển sinh 06 tháng đầu năm đạt 1.058 nghìn người, đạt 48% kế hoạch năm, bằng 142% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 108 nghìn người, đạt 20% kế hoạch; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 950 nghìn người, đạt 57% kế hoạch.

Trong lĩnh vực người có công, tiếp tục thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng. Thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng trong lực lượng thanh niên xung phong tại 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định;

 Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá chính sách giảm nghèo theo kế hoạch, Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thỉ số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em...

”Đặc biệt, vừa rồi,  Bộ cũng đã chủ động tham mưu trình các cấp có thẩm quyền để báo cáo Hội nghị Trung ương 7 khoá XII thảo luận, cho ý kiến và thông qua Đề án “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” với các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với nhiều nội dung mới, có tính cải cách, đột phá, khả thi cao nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Đây là lần đầu tiên Trung ương ra Nghị quyết riêng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, khẳng định sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với chính sách này- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Sẽ sớm ban hành chính sách để giảm bớt thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có những phương án trình Chính phủ, chỉ cần đợi Quốc hội ban hành Nghị quyết. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về vấn đề này, việc điều chỉnh này chỉ là để khắc phục những thiệt thòi của những lao động nữ khi  áp dụng đúng các quy định của luật BHXH. 

 

 Đã có phương án giảm bớt thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 - Ảnh 2

Đông đảo phóng viên báo chí tham dự cuộc họp


Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi tại  doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định không có chuyện lao động sau 35 tuổi ở doanh nghiệp FDI bị sa thải hàng loạt.

“Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã khẳng định là không có chuyện đó khi trả lời chất vấn tại Quốc hội. Bộ LĐ-TBXH và Ủy ban các vấn đề của Quốc hội cũng đã đi khảo sát tại một số địa phương cho thấy, tỷ lệ người sau tuổi 35 đến các trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ thất nghiệp để hưởng các chế độ không quá 7%”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin.

“Tất nhiên cũng có tình trạng doanh nghiệp sa thải lao động lớn tuổi, đây không phải câu chuyện của Việt Nam mà các nước đều phải đối mặt. Nguy cơ đó ngày càng cao và  muốn giải quyết được thì phải đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế với nhiều giải pháp như cải cách tiền lương, tăng cường cơ chế thương lượng đối thoại về tiền lương, cải cách chính sách BHXH…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đối với câu hỏi về đề xuất công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 2 “hiệp sĩ” đường phố ở TP. Hồ Chí Minh, bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết đối với trường hợp này, thủ tục công nhận hồ sơ cần có kết luận của cơ quan công an điều tra, tuy nhiên trong báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh chưa có nên Cục Người có công đã trả lại để hoàn thiện hồ sơ căn cứ vào các tiêu chuẩn được pháp luật quy định, khi nào đủ điều kiện thì sẽ sớm công nhận.

Về Đề án Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, bà Đỗ Thị Hồng Hà cho biết hiện nay cả nước đã thu thập được 836.329 mộ liệt sĩ, 3080 nghĩa trang liệt sĩ, chiếm tỷ lệ 95% tổng số mộ liệt sĩ có dữ liệu trên cơ sở dữ liệu của Bộ LĐ-TBXH. 41 bưu điện tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu, còn lại 22 bưu điện tỉnh, thành phố chưa thu thập được hết dữ liệu do các nghĩa trang còn đang trùng tu, cải tạo, sửa chữa. Dự kiến Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ sẽ ra mắt vào tháng 7 Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh liệt sĩ.

Bài: CHÂU GIANG; Ảnh: MẠNH DŨNG

Baodansinh.vn