Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều lao động sau khi được học nghề đã có việc làm ổn định, đảm bảo đời sống. Chẳng hạn, chị Trần Thị Huệ ở ấp Phước Thới, xã Tam Phước, huyện Long Điền, đã được học lớp may công nghiệp, đến nay chị đã có công việc ổn định tại Công ty may Bà Rịa với thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng.

Chị Huệ cho biết, trước đây chị chuyên may rèm cửa và may màn tại nhà, thu nhập rất thấp. Được học lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại xã, sau khi học xong, được cấp chứng chỉ, chị Huệ đã được giới thiệu vào công ty làm việc. Hiện, ngoài thời gian làm tại công ty chị còn may rèm cửa và may màn tại nhà để có thêm thu nhập. Hoặc trường hợp anh Đinh Xuân Quang, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, năm 2013, anh được giới thiệu học nghề chăn nuôi thú y và xử lý vắc xin. Nhờ vậy, giờ đây anh đã biết cách chăm sóc, chẩn đoán bệnh, tiêm thuốc thú y cho đàn lợn nuôi tại gia đình. Anh Quang chia sẻ: Trước kia, mỗi lần đàn lợn bị bệnh, anh phải mời bác sĩ về thăm khám, rất mất thời gian và tốn kém. Bây giờ có kiến thức về chăn nuôi thú y, anh rất tự tin chăn nuôi đàn lợn tại gia đình.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bà Rịa-Vũng Tàu, thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã có nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với hiệu quả việc làm như nghề may công nghiệp (huyện Xuyên Mộc), nghề đan giỏ lục bình ở các huyện Long Điền và Đất Đỏ, nghề đan lát tại xã Quảng Thành (huyện Châu Đức), nghề cấp cứu thủy nạn, kỹ thuật phục vụ buồng, bàn tại xã Bưng Riềng (huyện Côn Đảo). Sau khi học xong lớp đào tạo nghề, một số học viên đã có việc làm, thu nhập ổn định. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 6 mô hình sản xuất hiệu quả gắn với chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn là: Mô hình chăn nuôi lợn tại xã Bình Ba; mô hình trồng tiêu tại xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức), chăn nuôi bò sữa, trồng cây mãng cầu (huyện Tân Thành), trồng cây cảnh, vỗ béo bò thịt (huyện Long Điền).

Ngoài những hiệu quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Mỗi địa phương triển khai dạy nghề theo một kiểu hoặc dạy nghề nhưng chưa khảo sát nhu cầu của người lao động dẫn đến kết quả đào tạo chưa cao. Đặc biệt, do chưa căn cứ nhu cầu của doanh nghiệp tại địa phương nên sau khi học nghề, nhiều lao động không tìm được việc làm ổn định. Chưa kể, một số địa phương chưa thu hút được người lao động học nghề do tâm lý của người lao động sợ học xong không có việc làm. Một số nghề đã không còn phù hợp vẫn được đưa vào chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Bà Rịa, trong số 121 người học nghề đan lục bình, đến thời điểm này chỉ còn 21 người nhận hàng từ doanh nghiệp về gia công tại nhà, còn những người khác đã bỏ nghề. Với nghề kết hạt cườm, thời gian đầu còn có nơi tiêu thụ sản phẩm, nay thị trường đã bão hòa, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Tổ sản xuất hạt cườm tại xã Hòa Long (thành phố Bà Rịa) đã phải tạm ngưng hoạt động, các lao động tại tổ sản xuất phải bỏ nghề.

Một bất cập khác trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang xảy ra ở Bà Rịa-Vũng Tàu là trình độ đào tạo chủ yếu dừng ở sơ cấp hoặc dạy nghề ngắn hạn, nên sau khi học xong người lao động không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hoặc đến mùa thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, nhiều lao động muốn đi làm thuê theo ngày công để kiếm sống nên không muốn đến lớp học nghề dù đã đăng ký; mức hỗ trợ của Nhà nước cũng còn thấp chưa giúp học viên yên tâm học nghề. Cán bộ theo dõi công tác dạy nghề xã, phường kiêm nhiệm và không ổn định nên công tác theo dõi, giám sát các lớp dạy nghề chưa thường xuyên, chặt chẽ. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định nghề, định hướng đào tạo chưa phù hợp với người học và sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Việc cung cấp cho người học thông tin về khả năng tìm việc sau đào tạo còn mang tính hình thức...

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bà Rịa-Vũng Tàu, t ừ năm 2011-2014, số lao động nông thôn được học nghề là 14.210 người, đạt 109% so với kế hoạch; số người có việc làm sau học nghề là 8.727 người. Trong đó, doanh nghiệp tuyển dụng 1.842 người, doanh nghiệp cung cấp vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho 1.324 người, 5.552 người tự tạo việc làm, 9 người thành lập hợp tác xã.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Thị Trang Đài cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ đánh giá lại toàn bộ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn vừa qua. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở sẽ kiến nghị để điều chỉnh việc thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để lao động yên tâm học nghề, trước khi mở các lớp dạy nghề, địa phương cần khảo sát nhu cầu thực tế ở địa phương. Việc đào tạo nghề phải được đa dạng, kể cả đào tạo lại để người lao động thực sự có kỹ năng sau khi học nghề và chỉ tổ chức dạy những nghề mà ở địa phương thật sự có nhu cầu./.