Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ninh Bình: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề

Ninh Bình: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề
Những năm qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không ngừng nâng cao về chất lượng, thể hiện rõ nét ở số học sinh đạt giải tại các Hội thi tay nghề, trong đó điển hình là tấm huy chương vàng ở kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X. Cùng với đó, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp nghề… đều dễ dàng tìm được việc làm và được doanh nghiệp đánh giá cao về trình độ tay nghề.

Khẳng định chất lượng đào tạo Những năm qua, công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến đáng kể. Hiện, tỉnh ta có 25 trường, cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề. Theo khảo sát, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 giáo viên dạy nghề, trong đó giáo viên có trình độ trên đại học và đại học chiếm trên 70%, số giáo viên đạt chuẩn chiếm gần 90%. Cơ sở vật chất, trường lớp được quan tâm đầu tư. Đồng thời, các chương trình dạy nghề cũng từng bước được hoàn thiện căn cứ vào chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề và nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều cơ sở dạy nghề cũng đã chủ động tham khảo các chương trình đào tạo của các trường trong cả nước để phát triển chương trình đào tạo trong thời gian tới.
Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học nghề, trong 5 năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tổ chức 20 lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm nghề và kỹ năng dạy học cho gần 600 giáo viên và người dạy nghề. Để góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi giáo viên dạy nghề giỏi. Đây là dịp để các giáo viên được giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nghề. Hội thi cũng là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay của các trường dạy nghề, từ đó giúp cho nhà quản lý có hoạch định trong việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh phát động tham gia hội thi tay nghề quốc gia và ASEAN. Hội thi tay nghề giỏi được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, các cơ sở dạy nghề và chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất tham gia đội tuyển tay nghề trẻ của tỉnh dự hội thi cấp toàn quốc. Đây cũng là giải pháp góp phần đẩy mạnh phong trào phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và các giá trị công việc, rèn luyện kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên; đào tạo nguồn nhân lực mới có tay nghề bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh. Đến nay, đội tuyển thi tay nghề của tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, trong đó có 2 giải nhất, 6 giải nhì, 3 giải ba, 8 giải khuyến khích tại Hội thi tay nghề quốc gia; 1 giải nhất, 1 giải ba, 5 giải khuyến khích trong Hội thi tay nghề ASEAN…
Gắn kết trong đào tạo nghề
Một trong những điểm quan trọng nhằm thu hút đối tượng học nghề của các trường dạy nghề, đó chính là vấn đề tạo việc làm sau đào tạo cho học sinh, sinh viên. Để giải quyết tốt vấn đề này và quan trọng nữa là để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguồn lao động chất lượng cao của thị trường lao động, những năm qua, công tác đào tạo của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo.
Có mặt tại ngày hội việc làm của Trường Cao đẳng nghề cơ điện, xây dựng Việt-Xô diễn ra vào một ngày cuối tháng tám, chúng tôi bắt gặp sự hồ hởi của hàng trăm học sinh, sinh viên vừa mới nhận bằng tốt nghiệp và sự tin tưởng của đại diện 9 công ty trong và ngoài tỉnh đến tham gia tư vấn việc làm. Tổ chức ngày hội việc làm là một hoạt động thường niên, được nhà trường đặc biệt chú trọng nhằm làm cầu nối giữa sinh viên và đơn vị tuyển dụng. Cách làm này đã góp phần nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp lên đến trên 80%, còn lại là những học sinh tự tạo việc làm tại quê hương. Năm học mới 2015-2016, Trường Cao đẳng nghề cơ điện, xây dựng Việt-Xô có kế hoạch tuyển sinh 2.500 học sinh, sinh viên với 19 ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và cung ứng lao động cho thị trường trong và ngoài nước. Để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, trong năm học 2015-2016, nhà trường sẽ có điều chỉnh trong đào tạo, hướng đến những ngành trọng tâm, hạn chế việc đào tạo tràn lan. “Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, chúng tôi tiếp tục chú trọng tới việc dạy học sinh kỹ năng làm việc tập thể, tác phong, lề lối, ý thức làm việc công nghiệp…”- ông Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, định hướng về phát triển dạy nghề đến năm 2020 là chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, các cấp chính quyền cần có chính sách đào tạo nghề theo kiểu “đi trước đón đầu” ngay từ lúc có quy hoạch, kế hoạch phát triển các Khu công nghiệp để có thể cung cấp ngay lực lượng lao động có tay nghề theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Các trường nghề cần nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động để lên kế hoạch đào tạo.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh kế hoạch đào tạo không phải trường nào cũng có thể thực hiện được. Một giải pháp được xem là căn cơ đó là nhà trường bắt tay với doanh nghiệp để liên kết đào tạo. Ông Vũ Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nho Quan cho biết: Chúng tôi xác định liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là cơ hội để có thể đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng theo yêu cầu. Với việc liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo sẽ giúp trường nghề khắc phục được tình trạng thiếu các trang, thiết bị dạy học hiện đại. Hiện chúng tôi đã làm việc với một số doanh nghiệp để nhận học viên vào thực tập, truyền đạt kinh nghiệm để người lao động có thể đáp ứng ngay được công việc sau khi tốt nghiệp. Cũng thông qua việc liên kết đào tạo này, doanh nghiệp cũng sẽ đóng góp vào việc hoàn chỉnh giáo trình dạy học của nhà trường, như vậy sau khi ra trường và được tiếp nhận về doanh nghiệp, học sinh, sinh viên có thể bắt tay ngay vào công việc mà không cần doanh nghiệp phải đào tạo thêm hay đào tạo lại./.