Việc đẩy mạnh công tác dạy nghề ở tỉnh đã góp phần đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật có chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề; có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, vùng kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực, một tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề và học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Mặc dù vậy, công tác dạy nghề ở Thừa Thiên Huế cũng còn gặp không ít khó khăn, tồn tại, đó là: Nhận thức của người dân về đào tạo nghề nghiệp còn hạn chế, vì vậy công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt là tuyển sinh hệ trung cấp nghề của các trường nghề địa phương. Một số quy định mới trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng được ban hành như bỏ điểm sàn thi đại học, cao đẳng; tổ chức thi tuyển nhiều đợt trong năm…cũng đã làm giảm đáng kể nguồn tuyển sinh học nghề và trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề chưa tương xứng với quy mô đầu tư. Một số thiết bị dạy nghề vẫn chưa được khai thác cho công tác đào tạo nghề hoặc tổ chức sản xuất tại các cơ sở dạy nghề. Tính chủ động, năng động, linh hoạt trong việc tổ chức hoạt động dạy nghề của nhiều cơ sở dạy nghề chưa cao, ngành nghề đào tạo chưa phong phú, đa dạng. Nhiều cơ sở dạy nghề vẫn chưa có những đột phá về tư duy, vẫn còn mang nặng tư tưởng bao cấp của Nhà nước, đặc biệt là bao cấp về tài chính, vì vậy các cơ sở dạy nghề chưa thực sự có sức hấp dẫn để thu hút học sinh vào học nghề.
Việc gắn kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp dù đã được cải thiện nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong chương trình đào tạo, giữa nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nội dung đào tạo của các đơn vị dạy nghề nên vẫn còn tình trạng học viên sau khi đào tạo chưa được doanh nghiệp sử dụng ngay, mà phải đào tạo lại. Cơ cấu đào tạo nghề vẫn còn chưa hợp lý về trình độ và ngành nghề đào tạo (các nghề kỹ thuật chế biến món ăn, nghề công tác xã hội, kế toán doanh nghiệp...chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 63% trong tổng số sinh viên, học sinh được đào tạo hệ cao đẳng nghề và trung cấp nghề); có sự chênh lệch rõ rệt về cấp trình độ đào tạo nghề (trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu là đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề ngắn hạn).
Trước những tồn tại, bất cập nêu trên, theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới cơ bản, mạnh mẽ về công tác quản lý dạy nghề để tạo ra động lực phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động hiện nay và hội nhập quốc tế.
Trong 5 năm tới (2016 – 2020), tỉnh đề ra chỉ tiêu tuyển sinh 47.500 lao động vào học nghề, trong đó cao đẳng nghề 9.750 người (chiếm 20,52%), trung cấp nghề 10.250 người (chiếm 21,57%), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 27.500 người (chiếm 57,89%). Đào tạo nghề cho 15.000 LĐNT, trong đó 3.000 người học nghề nông nghiệp và 12.000 người học nghề phi nông nghiệp; Đào tạo cho 2.500 lượt cán bộ, công chức xã, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đạt 68% vào cuối năm 2020.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ từ Dự án dạy nghề cho LĐNT và Dự án phát triển dạy nghề giai đoạn 2016-2020 khoảng 96 tỷ đồng.
Để có thể đạt được các mục tiêu trên, tỉnh sẽ triển khai một số giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục hoàn thiện, củng cố tổ chức và bộ máy các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện. Có kế hoạch tăng cường giáo viên cơ hữu đối với các nghề trọng điểm, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện có.
Lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án tài trợ trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển đào tạo nghề. Tăng cường tính tự chủ trong phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là tự chủ tài chính. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sáp nhập các cơ sở dạy nghề theo hướng gọn, hiệu quả. Thực hiện việc điều chuyển thiết bị dạy nghề được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước từ những đơn vị không sử dụng hoặc khai thác không hiệu quả sang những đơn vị có nhu cầu sử dụng.
Bổ sung một số chế độ ưu đãi, khuyến khích nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển dạy nghề (đối với người lao động qua đào tạo nghề, đào tạo liên thông, hỗ trợ người học nghề, ưu tiên đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và những người thuộc nhóm “yếu thế” khác; hỗ trợ, miễn giảm học phí đối với một số nghề đặc thù, nghề xã hội có nhu cầu nhưng khó thu hút học sinh vào học nghề).
Đẩy mạnh gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, khu vực, các vùng kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động. Tăng cường hoạt động thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu cho kế hoạch đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề với thị trường lao động ở tất cả các cấp (tỉnh, huyện, xã) để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm ./.