Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bài toán giảm nghèo đa chiều nhìn từ một xã khó khăn

Bài toán giảm nghèo đa chiều nhìn từ một xã khó khăn
Đồng Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện 30a Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm tỉnh lỵ gần 80km. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao lên tới 60,63% vào năm 2008, đến nay với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp nhau vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt..., nhiều hộ trong xã đã thoát khỏi đói nghèo. Theo cách tiếp cận đa chiều trong giai đoạn mới, Đồng Sơn đang nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thoát khỏi cái nghèo về thu nhập và những thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản.


Tập trung nguồn lực - giải pháp tạo môi trường hạ tầng để phát triển toàn diện các lĩnh vực

Chúng tôi lên xã vùng cao Đồng Sơn vào một ngày thời tiết không thuận lợi, dãy áp thấp nhiệt đới bao trùm lên bầu trời Đồng Sơn một màu âm u, xám xịt. Từ trung tâm huyện tới xã là những cung đường cua tay áo vắt ngang lưng sườn núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm nằm dưới những tán rừng xanh ngắt mây trắng phủ đầy.

 Cơn mưa đầu mùa hạ có phần khiến đường đi trơn trượt, khó khăn hơn nhưng cũng không cản được hành trình của đoàn. Bởi con đường về xã nay đã khác, được trải thảm bằng phẳng bởi bê tông và nhựa hóa.

Ông Ngô Trường Thi ,Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, ông Bùi Đức Nhẫn,Giám đốc Sở LĐ-TBXH Phú Thọ cùng đoàn phóng viên báo chí đến thăm gia đình anh Triệu Văn Liều,hộ  mới thoát nghèo xã Đồng Sơn.

Đồng chí Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, người thân chinh dẫn chúng tôi về xã  và cũng là người vô cùng tâm huyết trong “công cuộc xóa đói giảm nghèo” ở cái xã 30a này nói với chúng tôi: Cách đây chừng mươi năm về trước, đây là con đường mòn, vô cùng gập ghềnh, khúc khuỷu. Những ngày mưa như hôm nay thì xã hoàn toàn bị chia cắt, hoạt động đi lại của con người  là không thể. Nhà cửa của người dân nơi đây cũng  tạm bợ, hầu như là nhà tranh, nứa lá, không có của cải trong nhà.

Tuy nhiên, diện mạo bây giờ đã hoàn toàn thay đổi. Suốt dọc đường từ huyện về xã, hiện lên trước mắt chúng tôi là những con đường giao thông liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa rộng rãi, đan xen bên những ngôi nhà gỗ mái lá bên vách núi là những ngôi nhà mái lợp proximăng, mái bằng 1 tầng, hai tầng, ba tầng kiên cố, những ngôi trường mái ngói đỏ tươi được xây khang trang, bề thế.

Ghé thăm Trường Trung học Cơ sở Đồng Sơn có diện tích rộng 4.915m2, chúng tôi được anh Vũ Hồng Nhân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết hiện xã Đồng Sơn có đầy đủ cả trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Ngôi trường nơi anh dạy có một dãy nhà 2 tầng được xây dựng từ năm 2001, mười ba năm sau, chương trình 30a của Chính phủ đã hỗ trợ vốn cho nhà trường để nâng cấp, sửa chữa lại phần mái bị mưa dột, quét lại vôi, lát lại gạch hoa phần hành lang bị bong chóc. Khuôn viên nhà trường khá rộng rãi, thoáng mát, được trang trí bằng những vườn cỏ và hoa còn gắn biển đề tên của học sinh các lớp vun trồng.

Phía đằng sau là dãy nhà bán trú dành cho 53 học sinh ở xa không thể đi về trong ngày. Ước chừng, mỗi căn phòng chỉ rộng khoảng 12m2 nhưng vô cùng ngăn nắp và gòn gàng với quạt điện, 6 chiếc giường sắt 2 tầng và 6 chiếc hòm nhôm, đủ để cho 6 em học sinh cất đựng những vật dụng cần thiết của mình. Khu bếp ăn tập thể của ngôi trường vùng cao này vào cuổi buổi chiều mưa cũng vô cùng ấm cúng, có rau xanh, trứng rán thơm lừng, thịt luộc đã được dọn sẵn chờ đón các em.

Theo chế độ trợ giúp của Nhà nước, mỗi em được hộ trợ 22 nghìn đồng tiền ăn/ngày và 15kg gạo/tháng, chế độ dinh dưỡng được thay đổi phù hợp và đảm bảo vệ sinh, giúp các em có đủ sức khỏe để học tập.  Hiện nhà trường đang được Nhà nước đầu tư xây dựng một dãy nhà 2 tầng gồm 8 phòng học khép kín, giúp giáo viên và 193 em học sinh có một môi trường khang trang, sạch đẹp hơn để học tập.

Đúng như lời ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo khẳng định: Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân những gì người dân không làm được nhằm tạo điều kiện, môi trường cho toàn xã, toàn dân và từng đối tượng người nghèo có cơ hội và điều kiện thuận lợi hưởng lợi, chỉ có đầu tư về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... như vậy mới có thể thúc đẩy những vùng khó khăn nhất như thế này phát triển được toàn diện các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế....

Những con đường liên thôn, liên xã được đầu tư xây dựng đã giúp bà con phát triển được giao thương, giúp trẻ em không còn ngại đến trường và bỏ học, người nghèo đã được khám chữa bệnh, dùng nước sạch, có điện thoại di động để dùng, có điện để thắp sáng, nghe đài, xem ti vi, tiếp cận với những kiến thực, thông tin, văn hóa của đời sống xã hội hiện đại.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2009 đến năm 2016, chương trình 30a đã giúp xã cơ bản hoàn thành các tuyến đường đến trung tâm xã, tỷ lệ khu có đường giao thông đến được trung tâm đạt 62%, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt trên 80%, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2020 mức độ 1, xã đã được đầu tư  hội trường đảm bảo hội họp, bưu điện văn hóa xã, tỷ lệ phủ sóng đi động đạt 100%, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%, xã đạt 7/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, toàn xã có 2.993 lượt người sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh.

Trao quyền, hỗ trợ có điều kiện, tạo trách nhiệm và động lực vươn lên thoát nghèo

Điểm đặt chân tiếp theo của chúng tôi ở xã Đồng Sơn là Khu Bến Thân. Đây là vùng lõi của rừng quốc gia Xuân Sơn với 100% người dân tộc Dao cư trú. Là xóm có diện tích đất nông nghiệp ít nhất trong xã nên các hộ đồng bào dân tộc ở đây thường sống dựa vào thiên nhiên, họ thường xuyên bám rừng khai thác lấy gỗ, lấy măng, đào củ mài để sinh sống. Đời sống người dân bấp bênh, lương thực không ổn định, từ thời điểm trước 2011, đâu đó trong xóm vẫn còn những hộ đói, không đủ ăn, trẻ em vẫn còn bỏ học vì điều kiện đến trường còn quá khó khăn.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Thanh Chang, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện và xã đã cùng vào cuộc, đưa ra những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế có tính đột phá, đó là xem bà con nghèo về cái gì thì sẽ cung cấp cái đó. Từ việc nhận thấy bà con Đồng Sơn nghèo về kiến thức làm ăn, loay hoay với tập quán làm ăn dựa vào rừng và thiên nhiên,  xã đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền về chính sách, lợi ích của việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi để bà con thay đổi tập tục canh tác của mình mà nâng cao năng suất lao động, giá trị sản xuất và thu nhập. Cùng với đó là việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cách chọn giống cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng tại 8 khu của xã.

Xã cũng quyết liệt triển khai kịp thời chính sách giao rừng,  khoán bảo vệ rừng cho bà con, gắn lợi ích của bà con với việc trồng rừng. Từ chỗ cây rừng trơ trụi bởi nạn chặt phá rừng phổ biến của bà con dân tộc, nay độ che phủ rừng của toàn xã Đồng Sơn đã đạt được 84%, bà con từ đó cũng có nguồn thu nhập ổn định từ những tán rừng.  

Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi, tạo cú huých cho bà con có đủ nguồn lực và trách nhiệm thực hiện hình thức khai hoang, trồng trọt và chăn nuôi hay làm dịch vụ do mình lựa chọn để tăng thu nhập.

Tại 8 Khu dân cư của xã Đồng Sơn, khu nào cũng thành lập một tổ tiết kiệm. Những hộ nào có ý tưởng phát triển kinh tế gia đình và có nhu cầu vay vốn làm ăn đều được các thành viên tổ tiết kiệm tư vấn kỹ lưỡng và đứng ra bảo lãnh vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Bà con dân tộc người Dao nay đã biết tự lựa chọn hình thức làm ăn phù hợp, biết đào ruộng trồng lúa, ngô, chăn lợn, thả gà đúng cách.

Gia đình anh Triệu Văn Liều ở khu Bến Thân là một ví dụ điển hình. Theo lời anh kể, trước kia nhà anh chỉ có 3 sào ruộng cấy lúa, mỗi năm nhà anh chỉ thu được khoảng 5-6 tạ lúa, đủ ăn trong nửa năm. Nhưng từ khi được các cán bộ xã, khu xóm tư vấn, phổ biến về cách chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vay vốn làm ăn, anh đã mạnh dạn vay những khoản vốn nho nhỏ để nuôi gà, nuôi lợn, rồi nhà anh cũng được hỗ trợ cây giống, phân bón để tham gia nuôi trồng phát triển rừng. Nhờ đó, nhà anh đã có đàn gà hơn 20 chục con, đàn lợn 6 con, 1 ha cây mỡ đã trồng được 6 năm, anh còn chăm chỉ mượn thêm 4 sào đất để trồng ngô và sắn. Cộng thêm những thứ rau, măng, củ mài kiếm được trên rừng về bán gia đình anh cũng đã có thêm thu nhập để trang trải lương thực, bữa ăn hàng ngày và từng bước thoát ra khỏi đói nghèo cách đây 2 năm.

Vợ chồng anh cũng đã dành dụm được tiền mua ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động, sàn nhà đã được lát đá hoa, nhà vệ sinh cũng sạch sẽ. Cuộc sống khó khăn đã vượt qua, tư duy anh Liều cũng thay đổi và có thêm động lực để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Cách đây 2 năm, năm 2015, anh đã mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng  với lãi suất ưu đãi dành cho những hộ mới thoát nghèo để mua thêm một con trâu cái và hiện giờ chuồng nhà anh đã có thêm 2 con. Ước tính, 2 con trâu mới cũng đem lại cho gia đình một khoản thu kha khá.

Thoát nghèo bền vững - Khó khăn, thách thức và những giải pháp

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Thanh Chang - Chủ tịch xã Đồng Sơn cho biết: Mặc dù xã vùng cao Đồng Sơn đã có những bước phát triển đáng kể xong vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác giảm nghèo ở Đồng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Theo số liệu thống kê, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều ở Đồng Sơn là 72%, thu nhập bình quân đầu người thấp và tăng chậm, đạt 78,9% so với thu nhập chung của huyện là 17,1 triệu đồng/người/năm, khả năng tích lũy trong dân để đầu tư cho học tập, chăm sóc sức khỏe rất hạn chế, người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, thậm chí đất sản xuất cũng rất ít ỏi.

Điển hình như hộ gia đình anh Triệu Văn Liều tuy đã thoát khỏi đói nghèo nhưng mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/năm như nhà anh thì nguy cơ tái nghèo cũng có thể xảy ra nếu như nhà anh có một biến cố hoặc nếu không tiếp tục nỗ lực làm ăn chăm chỉ. Bên cạnh đó, phần lớn người nghèo trong xã còn tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đa số các hộ nghèo có trình độ học vấn thấp, việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm ăn gặp khó khăn. Một điểm hạn chế nữa là kinh phí và mô hình giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc vẫn còn manh mún và nghèo nàn, chưa thực sự có những mô hình hiệu quả để nhân rộng.

Cách phổ biến thường thấy là các hộ nghèo chỉ được hỗ trợ vay vốn mua từ 1 con trâu hoặc 2 còn bò, con dê, trong vài năm chăn nuôi là chưa có nguồn thu. Trình độ sản xuát thâm canh nông nghiệp, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều bất cấp, lạc hậu. Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo tại một số  địa phương còn lúng túng, vẫn còn tình trạng nể nang trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo.  Nguồn lực đầu t­ư từ ngân sách tỉnh, huyện hạn hẹp, khả năng huy động nguồn vốn xã hội hoá khó khăn trong khi đó cơ sở hạ thầng của xã còn phải đầu tư nguồn lực lớn để giải quyết.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Phú Thọ Bùi Đức Nhẫn chia sẻ những khó khăn, thách thức và giải pháp ở huyện nghèo 30a Tân Sơn và xã Đồng Sơn.

Theo ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, bài toán giảm nghèo cho Phú Thọ nói chung và xã Đồng Sơn nói riêng là phải bám sát vào việc thực hiện giảm nghèo theo hướng đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó xác độ mức độ thiếu hút các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch để hỗ trợ và giải quyết hiệu quả. Công tác giảm nghèo sẽ tập trung vào những địa bàn còn khó khăn nhiều nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả những chính sách Nhà nước hỗ trợ và huy động mạnh mẽ nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và phát triển kinh tế. Chỉ đạo các xã cần khắc phục tâm lý ỷ lại thông qua việc giảm mạnh những hỗ trợ trực tiếp, cho không và chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo. 

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo nguyên nhân nghèo, nhất là đối với những hộ nghèo triền miên. Nghiên cứu, đưa ra những mô hình, cách làm hiệu quả, thiết hơn và tiếp tục thực hiện hỗ trợ sinh kế đối với những hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để tạo điều kiện phát triển sản xuất,  thúc đẩy họ thoát nghèo bền vững. Ưu tiên đào tạo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật, thị trường cho lao động nông thôn khu vực miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất theo hướng hợp lý./                                   

Mỹ Hạnh - Hà Giang, Tạp chí Lao động và Xã hội