Tháng 9/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh thành Trung tâm Điều trị nghiện đa chức năng. Theo đó, ngoài thực hiện nhiệm vụ cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, trung tâm còn được bổ sung thêm chức năng tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định và điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone. Hiện nay, trung tâm tiếp nhận điều trị nghiện cho gần 40 người.
Để việc cai nghiện đạt kết quả cao, trung tâm đã đầu tư khu vực dành riêng cho người cai nghiện tự nguyện, trang bị đầy đủ đồ dùng sinh hoạt nhằm phục vụ tốt nhất cho người đến điều trị. Đồng thời, đơn vị tăng cường công tác giáo dục, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phân công lao động trị liệu hợp lý trên tinh thần tự nguyện. Các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao thể chất, tinh thần cho người cai nghiện.
Mặt khác, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh đã nhân rộng 6 điểm tư vấn và hỗ trợ điều trị nghiện trong cộng đồng. Các điểm tư vấn tập trung điều tra, nắm bắt tình hình, tư tưởng, nguyện vọng của nhiều người nghiện ma túy trên địa bàn; hàng tháng, tổ chức nói chuyện chuyên đề, vận động, hỗ trợ người nghiện tiếp cận các dịch vụ điều trị thay thế bằng Methadone, hỗ trợ tâm lý, vay vốn tạo việc làm, học nghề... giúp người nghiện từng bước làm lại cuộc đời. Ngoài ra, được sự đầu tư của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI, thuộc Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam), Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh thành lập nhóm Bằng Hữu. Nhóm cùng với 65 Đội công tác xã hội tình nguyện đã trở thành cầu nối tập hợp những người sử dụng ma túy để chia sẻ và giới thiệu họ đến với các điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện.
Về công tác điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone, đến nay, Khánh Hòa đã có 3 cơ sở điều trị và 3 cơ sở cấp phát thuốc cho hơn 380 người nghiện, hơn 500 người nộp hồ sơ đăng ký điều trị. Hầu hết, những người tham gia đều tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc đúng giờ, nên đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ những người điều trị nghiện có việc làm, phát triển kinh tế, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh đã thẩm định, xét duyệt cho gần 60 người vay vốn với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Có vốn, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư mở quán ăn, phát triển vườn đồi, sửa chữa xe máy… có thu nhập ổn định cuộc sống./.