Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho người bán dâm hoàn lương hoà nhập cộng đồng, trong năm 2014, TPHCM đã thực hiện mô hình thí điểm hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người mại dâm trên địa bàn.
Trước khi tiến hành thí điểm mô hình hỗ trợ, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM đã tổ chức khảo sát 200 chị em phụ nữ bán dâm đường phố thuộc địa bàn 6 quận nhằm đánh giá khả năng tham gia chương trình hỗ trợ học nghề của họ.
Thành phố cũng tổ chức tư vấn cho 50 lượt người bán dâm để cung cấp các kiến thức cơ bản về một số quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động mại dâm; kiến thức về chăm sóc sức khoẻ và phòng ngừa lây truyền các bệnh tình dục; tư vấn điều trị nghiện và thực hiện chuyển gửi các trường hợp có nhu cầu hỗ trợ. Đồng thời thông qua kết quả tổng hợp cuộc khảo sát để đánh giá nhu cầu của các chị em về nguyện vọng, mong muốn được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn để từng bước thay đổi nghề. Trên cơ sở đó đã chọn được 20 trường hợp tham gia vào mô hình để thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức 3 lớp tập huấn cho 40 người bán dâm tham gia mô hình và một lớp cho 30 cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội về kỹ năng tiếp cận. Căn cứ nguyện vọng và khả năng tham gia học nghề của cá nhân, thành phố đã hỗ trợ kinh phí học nghề cho 15 chị em với tổng kinh phí hỗ trợ là 45 triệu đồng và hỗ trợ chuyển gửi cho 10 chị em được tham gia học nghề miễn phí tại một trung tâm đào tạo nghề tóc có uy tín.
Kết quả bước đầu đa số các chị em phụ nữ tham gia chương trình học nghề và các hoạt động truyền thông tư vấn sinh hoạt mô hình câu lạc bộ thường xuyên, đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao; góp phần cho việc giảm tần xuất tham gia hoạt động bán dâm.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện mô hình gặp một số khó khăn như đa số người mại dâm có nhu cầu được hỗ trợ học nghề hỗ trợ vay vốn tạo việc làm đều là người từ các tỉnh thành phố khác đến cư trú không có hộ khẩu thường trú do đó rất khó khăn cho việc xét duyệt và hỗ trợ.
Công tác tiếp cận người mại dâm còn gặp nhiều khó khăn cho cán bộ thực hiện chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết khi tiếp cận, tư vấn. Mặt khác số người bán dâm vẫn còn tư tưởng e dè, mặc cảm chưa tin tưởng vào sự hỗ trợ của cộng đồng ngại tiếp xúc với chính quyền địa phương nơi cư trú. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng còn rất lớn nên người bán dâm thường xuyên di chuyển chỗ ở, rất khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn chưa quan tâm việc xây dựng kế hoạch giúp đỡ người mại dâm hoàn lương. Do đó công tác phối hợp chuyển gửi chưa thật sự đồng bộ đặc biệt các chương trình hỗ trợ vốn vay hỗ trợ học nghề cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Vì vậy, để mô hình thí điểm tiếp tục được duy trì và hoạt động có hiệu quả cần tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm tiếp cận các nguồn trợ giúp của nhà nước của cộng đồng xã hội; được dạy nghề, hướng nghiệp, trợ vốn tạo việc làm, được tham gia các dịch vụ hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS. Thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ về công tác tiếp cận tư vấn người mại dâm cho cán bộ các cấp tham gia thực hiện thí điểm để tăng cường hiệu quả mô hình.
Đa số người bán dâm tại thành phố đều là người từ các tỉnh thành phố khác đến cư trú trong các chương trình dạy nghề giúp vốn chỉ hỗ trợ cho người thường trú tại TPHCM; vì thế cần mở rộng chủ trương hỗ trợ cho người bán dâm tạm trú tại thành phố qua đó góp phần tạo điều kiện cho người bán dâm tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cần thiết, phấn đấu khắc phục những khó khăn của bản thân để hoà nhập bền vững vào cộng đồng.