Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Dạy nghề cho lao động nông thôn: Chú trọng “học đi đôi với hành”

Dạy nghề cho lao động nông thôn: Chú trọng “học đi đôi với hành”
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 05 năm qua (2010 - 2014) các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2010 - 2014, các cấp hội đã tổ chức được 595 buổi tuyên truyền, tư vấn học nghề thu hút trên 7.000 lượt người tham gia. Đặc biệt, hội trực tiếp tổ chức dạy nghề, cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận cho 66 lớp với 1.843 học viên; phối hợp tuyển sinh, dạy nghề được 780 lớp cho trên 40.000 học viên; mở 02 lớp liên kết đào tạo các hệ chuyên nghiệp cho 126 học viên. Trong tổng số lao động nông thôn được trực tiếp dạy nghề, phối hợp tuyển sinh dạy nghề có 281 lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác, 286 lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng.

          Về ngành nghề đào tạo, số lượng lao động học nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm số đông (trên 32.000 người); có trên 9.000 lao động học nghề nông, lâm, thủy sản; trên 4.500 lao động học nghề du lịch - dịch vụ. Tỷ lệ lao động nông thôn học nghề đạt 26,5% trên tổng số người có nhu cầu học nghề. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề là 85%.

           Nói về công tác dạy nghề, phối hợp dạy nghề, tuyên truyền nghề cho lao động nông thôn, ông Tống Văn Tam - Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, nhu cầu được học nghề của lao động nông thôn rất cao. Để các lớp học nghề đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, từ năm 2013, trước khi tổ chức các lớp dạy nghề, HND tỉnh chỉ đạo các cấp HND tổ chức khảo sát, đánh giá đúng, chính xác nhu cầu học nghề của hội viên. Khâu khảo sát, đánh giá được xác định là yếu tố then chốt quyết định tới thành công của các lớp học nghề.

Với phương châm “sâu sát cơ sở”, sau khi tổ chức khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, các lớp dạy nghề thường được tổ chức phối hợp ngay tại địa phương. Trong dạy nghề, phối hợp dạy nghề, tập huấn nghề, các cấp hội đặc biệt chú trọng tới việc học đi đôi với hành, giảng viên trực tiếp “cầm tay chỉ việc”.

Ông Tống Văn Tam cho biết thêm: Ở các lớp dạy nghề, thời gian dành để hướng dẫn học viên thực hành chiếm tới 2/3. Học viên được trực tiếp thực hành những kiến thc đã học, có sự hướng dẫn, kèm cặp, chỉ bảo cụ thể của giảng viên. Trong quá trình thực hành có gì không hiểu, làm chưa đúng cách học viên chủ động trao đổi với giảng viên để được hướng dẫn, điều chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời. Sau dạy nghề, tổ chức hội đặc biệt quan tâm tới tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2010, các cấp hội tư vấn việc làm cho 12.500 người, năm 2011 số lao động được tư vấn tăng lên con số 13.200 người, năm 2012 là 14.900 người, năm 2013 là 15.100 người, năm 2014 là 15.250 người. Tổng số lao động được giới thiệu việc làm trong nước từ năm 2010 - 2014 là trên 33.000 người. Ngoài việc tổ chức tư vấn nghề, giới thiệu việc làm HND còn gắn công tác đào tạo với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động sử dụng và phát huy hiệu quả những kiến thức đã học trong lao động sản xuất.

Qua trò chuyện với nhiều lao động nông thôn được tham gia các lớp dạy nghề, phối hợp dạy nghề, tập huấn nghề, mọi người đều có chung quan điểm: Hiện nay nhu cầu học nghề của lao động nông thôn là rất cao. Phần đông lao động nông thôn muốn được tham dự các lớp dạy nghề, tập huấn nghề để có cơ hội tìm việc làm thêm, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Các lớp dạy nghề được mở với nhiều ngành nghề khác nhau, chất lượng dần được nâng lên phần nào đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

Có thể khẳng định, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 05 năm qua đông đảo người lao động đã được tuyên truyền, phổ biến các chính sách về học nghề từ đó đăng ký tham gia học nghề theo nhu cầu, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế hộ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là: Nguồn kinh phí hạn hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu học nghề của người lao động. Các điều kiện để bảo đảm nâng cao chất lượng dạy nghề còn hạn chế, chưa có giáo trình thống nhất cho các nghề đào tạo. Ý thức tham gia học nghề của một bộ phận người lao động còn thấp. Một số lao động sau khi học xong nghề không phát huy được kiến thức đã học, không mở rộng được sản xuất do thiếu vốn, thiếu đất…

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực phát triển hệ thống đào tạo nghề, nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề còn thấp. Còn có tình trạng chưa nắm được nhu cầu nhân lực cần đào tạo nghề ở từng lĩnh vực, từng địa phương; nhiều nơi công tác tư vấn học nghề, chọn nghề, tổ chức dạy nghề chưa xuất phát từ nhu cầu học nghề, việc làm và điều kiện của người học, chưa gắn kết giữa đào tạo và sử dụng. Trong tổ chức thực hiện thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành…

Để nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, phối hợp dạy nghề, tập huấn nghề, tuyên truyền nghề, thời gian tới các cấp HND trong tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề tới toàn thể hội viên, hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trên cơ sở thống kê nhu cầu học nghề của nông dân. Tranh thủ các nguồn lực từ trung ương, địa phương phục vụ cho công tác dạy nghề. Đầu tư, duy trì tốt hoạt động của trung tâm dạy nghề, làm nòng cốt cho công tác dạy nghề của hệ thống hội trên địa bàn tỉnh. Trong dạy nghề đặc biệt chú trọng “học đi đôi với hành”./.