Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thông báo Tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2020

Thông tin Tuyên truyền, Phổ biến  
Thông báo Tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2020

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 08/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/5016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nam thông báo tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

          A. TÌNH HÌNH TNLĐ TRONG KHU VỰC CÓ QUAN HỆ LAO ĐỘNG

          I. TÌNH HÌNH CHUNG

          1. Số vụ tai nạn lao động

          Theo báo cáo của các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh 06 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động làm 18 người bị nạn, trong đó:

          - Số người chết vì tai nạn lao động: 08 người;

- Số vụ tai nạn chết người: 07 vụ;

- Số người bị thương nặng: 02 người;

- Nạn nhân lao động là nữ: 08 người;

- Số vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên: 01 vụ.

So với 06 tháng đầu năm 2019 tổng số vụ tai nạn lao động giảm 04 vụ, số người bị nạn giảm 03 người; số vụ tai nạn chết người tăng 4 vụ, số người chết tăng 05 người.

2. Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

Theo báo cáo của các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam, 06 tháng đầu năm 2020 xảy ra 4 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, trong đó có 01 vụ tai nạn lao động làm chết từ 02 người trở lên (tại Công ty cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Thông Đạt).

II. PHÂN TÍCH CÁC VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG CHẾT NGƯỜI THUỘC THẨM QUYỀN CỦA ĐOÀN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG TỈNH

1. Tình hình tai nạn lao động chết người theo loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh

- Loại hình công ty TNHH xảy ra 04 vụ tai nạn lao động chết người, chiếm 57,14 % vụ tai nạn chết người và 50 % số người chết;

- Loại hình công ty cổ phần xảy ra 03 vụ tai nạn lao động chết người, chiếm 42,86 % vụ tai nạn chết người và 50 % số người chết.

2. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người.

          - Lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản xảy ra 03 vụ, làm 04 người chết chiếm 50 %;

           3. Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất

          - Tai nạn giao thông liên quan đến lao động có 09 vụ, làm 03 người chết chiếm 37,5 %;

          - Vật rơi, đổ sập, va chạm mạnh dẫn đến tử vong có 02 vụ, làm 03 người chết chiếm 37,5 %;

          4. Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra vụ tai nạn lao động chết người

          - Nguyên nhân khách quan (trượt ngã, tai nạn giao thông) có 10 vụ, làm 04 người chết chiếm 58,8 % tổng số vụ;

          - Nguyên nhân do lỗi hỗn hợp (lỗi của người sử dụng lao động và người lao động) 07 vụ, làm 04 người chết chiếm 41,2 % tổng số vụ;

          III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

          Qua theo dõi cho thấy, trong khu vực quan hệ lao động tần suất tai nạn lao động là 0,49 % trên số người lao động của cơ sở tham gia báo cáo; tần suất số người chết là 0,22 % trên số người lao động của có sở tham gia báo cáo.

          Cơ bản các vụ tai nạn lao động chết người đã được các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai báo theo quy định của pháp luật.

          Công tác khai báo tai nạn lao động và biên bản điều tra của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh cho thấy: TNLĐ thường có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả lỗi người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể các nhóm nguyên nhân chính:

- Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.

- Người lao động không chấp hành quy trình vận hành an toàn lao động, không chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, bất cẩn, chủ quan...

B. TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG KHU VỰC KHÔNG CÓ QUAN HỆ LAO ĐỘNG

Theo báo cáo của 05/06 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh (huyện Bình Lục chưa báo cáo) đã xảy ra 08 vụ tai nạn lao động làm 08 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn trong đó:

- Số người chết: 05 người

- Số vụ TNLĐ chết người:05 vụ

- Số vụ TNLĐ có 2 người bị nạn trở lên:0 vụ

- Số người bị thương nặng: 03 người

- Nạn nhân là lao động nữ: 01 người

C. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN THỰC HIỆN TRONG 06 THÁNG CUỐI NĂM 2020

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trong 06 tháng đầu năm 2020, để tiếp tục chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đề nghị các Sở, Ban, Ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý ATVSLĐ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Sở Y tế tăng cường quản lý môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp; Sở Công Thương tăng cường quản lý an toàn trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất; Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý an toàn lao động tại các công trình xây dựng, gắn việc quản lý cấp phép xây dựng với quản lý an toàn lao động trong xây dựng; Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động và người lao động chấp hành tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, nội quy, quy trình làm việc an toàn, sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân tại đơn vị để hạn chế các nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động.

2. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất, thực hiện tốt chức năng tư vấn, hướng dẫn. Đề cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả công tác tự kiểm tra tại doanh nghiệp để phát hiện, xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn lao động.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện việc khai báo, thống kê và báo cáo tình hình tai nạn lao động đối với người lao động không làm việc theo hợp đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 10 và khoản 2, Điều 24 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; đánh giá, công bố thông tin tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động

- Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.

- Thực hiện thống kê và báo cáo tình hình tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động và báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 3, Điều 24 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

4. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, cụ thể:

- Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

- Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

- Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động;

- Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động./.​

TB 79.pdf


Sở Lao động Thương binh và Xã hội