Dự hội nghị có bà Phạm Thị Thanh Việt, phó Vụ trưởng, Vụ pháp chế - Bộ
Lao động - Thương binh và xã hội; Ông Nguyễn Văn Hảo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành có liên
quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Liên
đoàn lao động tỉnh; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp, Liên
đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, cán
bộ được giao phụ trách công tác pháp chế, nhân sự trong doanh nghiệp, cán bộ
công tác công đoàn của doanh nghiệp.
Các báo cáo viên của Vụ pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giới thiệu một số nội dung chính như: Mức đóng bảo hiểm xã hội khi có sự thay đổi chính sách tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ. Những lưu ý trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Một số quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, BHXH trong Bộ luật Lao động 2019…
Trong phần đối thoại đã có nhiều ý kiến, thắc mắc, băn khoăn của doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề như: những kiến nghị khi tăng tuổi nghỉ hưu theo dự thảo luật BHXH (mới); vấn đề kiểm soát, hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHYT; chính sách về bảo hiểm thất nghiệp; Chế độ thôi việc cho người lao động là người nước ngoài…
Bên cạnh đó, những vướng mắc liên quan đến pháp luật lao động như: tiền làm thêm giờ cho người lao động, danh mục công việc được coi là độc hại, nguy hiểm; trường hợp người lao động nghỉ không hết phép năm thì có được thanh toán tiền những ngày phép chưa nghỉ không? Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm của người lao động… cũng được đại biểu dự Hội nghị nêu lên. Tất cả những thắc mắc, vướng mắc của đại diện các doanh nghiệp đã được Lãnh đạo Vụ pháp chế - Bộ Lao động TBXH, BHXH tỉnh và Sở Lao động – Thương binh Xã hội giải đáp thỏa đáng.
Việc tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp
giữa cơ quan chức năng Nhà nước với đại diện doanh nghiệp đã giúp các đơn vị sử
dụng lao động và người lao động nắm bắt đầy đủ hơn những quy định của pháp luật
về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời giải đáp được những
khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại đơn vị; qua đó tạo được sự đồng
thuận cao của các đơn vị sử dụng lao động trong việc tổ chức thực hiện, đảm bảo
quyền lợi BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đây cũng là dịp
để cơ quan BHXH lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ người lao động, đơn
vị sử dụng lao động, nhằm nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo
điều kiện tốt nhất phục vụ cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH,
BHYT, bảo hiểm thất nghiệp góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.

