Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thể lệ cuộc thi Viết về bình đẳng giới năm 2018

Tin tức sự kiện Tin hoạt động ngành  
Thể lệ cuộc thi Viết về bình đẳng giới năm 2018
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc thi “Viết về bình đẳng giới năm 2018”. Sau đây là Thể lệ cuộc thi:

I. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI 

- Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

- Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Thư ký không được tham gia Cuộc thi.

II. HÌNH THỨC, NỘI DUNG CUỘC THI

1. Hình thức: Thi viết, tác phẩm dự thi là các bài viết văn xuôi được thể hiện dưới hình thức: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, nghiên cứu, hồi ký, nhật ký, bút ký báo chí…

2. Nội dung

Các tác phẩm dự thi tập trung phản ánh các nội dung sau:

- Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

- Phát hiện những tồn tại, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bình đẳng giới ở Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp, ý tưởng để bổ sung, hoàn thiện chính sách và thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Biểu dương các tổ chức, tập thể, cá nhân làm tốt hoạt động bình đẳng giới; giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay có hiệu quả cao trong công tác bình đẳng giới; phòng ngừa các vụ việc vi phạm về bình đẳng giới.

III. ĐIỀU KIỆN, YÊU CẦU ĐỐI VỚI TÁC PHẨM DỰ THI

- Tác phẩm dự thi phải được thể hiện dưới hình thức và nội dung phù hợp với thể lệ Cuộc thi.

- Tác phẩm dự thi có thể là các bài viết sáng tác mới hoặc đã được đăng tải, phát hành trong thời gian từ ngày 01/01/2016 đến ngày 25/11/2018 trên sách, báo in, tạp chí, báo điện tử, trang thông tin điện tử do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

- Tác phẩm phải là sản phẩm sáng tạo của chính tác giả, đảm bảo tính chính xác và có sức thuyết phục cao, chưa đạt bất kỳ giải thưởng nào tính đến thời điểm tham dự cuộc thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và bản quyền của tác phẩm.

- Tác phẩm có thể viết tay hoặc đánh máy bằng tiếng Việt có dấu. Tác giả có thể gửi kèm tư liệu, hình ảnh (ảnh gốc, sao chụp) hoặc các minh hoạ khác. Đối với tác phẩm sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt kèm theo.

- Đối với tác phẩm đã được đăng tải, tác giả phải gửi kèm bản photo ấn phẩm báo chí trên giấy hoặc đường link đã đăng tải trên báo điện tử, trang thông tin điện tử (ghi rõ tác phẩm ở trang, số báo, ngày phát hành, địa chỉ đăng tải và tên báo). Nếu tác phẩm chưa được phát hành ở bất kỳ cơ quan báo chí nào, khi gửi đến Ban Tổ chức có thể được đăng trên Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội (laodongxahoi.net) để tham dự Cuộc thi.

- Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi nhiều tác phẩm tham dự Cuộc thi phù hợp với yêu cầu và điều kiện của Cuộc thi này.

- Ban Tổ chức không trả lại các tác phẩm đã gửi tham dự Cuộc thi và được toàn quyền sử dụng tác phẩm tham dự để phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới.

- Mỗi tác phẩm dự thi phải ghi rõ họ, tên thật, bút danh (nếu có), ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, địa chỉ thường trú hoặc cơ quan, đơn vị công tác, số điện thoại, địa chỉ email của người dự thi.

IV. THỜI HẠN VÀ ĐỊA CHỈ, CÁCH THỨC TIẾP NHẬN BÀI DỰ THI

1. Thời hạn

Ban tổ chức tiếp nhận các tác phẩm dự thi từ ngày 10 tháng 9 năm 2018 đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2018 (tính theo dấu bưu điện đối với bài thi gửi qua bưu điện; tính theo ngày gửi tại hộp thư điện tử của Ban Tổ chức với bài dự thi gửi qua email).

2. Tác phẩm dự thi có thể gửi cho Ban Tổ chức qua đường bưu điện hoặc email qua địa chỉ sau:

- Đối với bài dự thi gửi qua đường bưu điện

 Địa chỉ tiếp nhận: Tạp chí Lao động và Xã hội, tầng 8, Lô D25, số 3, ngõ 7, phố Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.  Điện thoại: 024.37344073 - 024.37344071. Ngoài bì thư, tiêu đề thư ghi rõ:  Bài dự thi viết về bình đẳng giới năm 2018.

- Đối với bài dự thi gửi qua email

  Người tham dự trực tiếp gửi bản mềm bài thi (có kèm theo thông tin cá nhân quy định tại phần III nêu trên) về địa chỉ email: thivietbdg2018@molisa.gov.vn.

V. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

Các tác giả có tác phẩm đạt giải sẽ được trao Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và phần thưởng trị giá như sau: 

01 Giải Nhất: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng);  

02 Giải Nhì: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng);

03 Giải Ba: 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng);

05 Giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng (Một triệu đồng).

Căn cứ vào số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức có thể điều chỉnh số lượng và giá trị giải thưởng cho phù hợp với tình hình thực tế.

VI. BAN GIÁM KHẢO CUỘC THI

Ban Giám khảo Cuộc thi do Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội  quyết định thành lập, gồm Lãnh đạo Tạp chí Lao động và Xã hội, Vụ Bình đẳng giới, Văn phòng Bộ, Hội Nhà báo Việt Nam cùng một số nhà báo, chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực bình đẳng giới và báo chí.

VII. TỔ CHỨC CHẤM VÀ TRAO GIẢI

- Thời gian chấm các tác phẩm tham dự cuộc thi từ: Từ ngày 01/12/2018 đến ngày 10/12/2018.

- Công bố và trao giải: Giữa tháng 12/2018 tại Hà Nội.

- Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại cho người dự thi có tác phẩm đạt giải Nhất tới dự Lễ công bố kết quả cuộc thi và trao giải tại Hà Nội.

- Những tác phẩm đoạt giải, nếu tác giả không tới nhận giải, Ban Tổ chức sẽ gửi Giấy chứng nhận và tiền thưởng qua đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên bài dự thi.

- Người dự thi được giải thưởng có nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật.

- Thông tin chi tiết về cuộc thi được đăng tải tại trang thông tin điện tử: www.molisa.gov.vn; www.genic.molisa.gov.vn; Tạp chí Lao động – Xã hội và Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội (laodongxahoi.net)./.

molisa.gov.vn