Báo cáo về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Bộ trưởng Bộ
LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong suốt 71 năm qua, Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối
với người, gia đình có công với cách mạng. Khi đất nước bước vào thời kỳ
đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc
biệt quan tâm, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang
từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất
nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một
nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã
hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị
Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ
bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người (trong đó có trên 1,2 triệu
liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh,
110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000
người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học
được công nhận). Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế
độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại
gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng
chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ
81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ,… với ngân sách
nhà nước hàng năm trên 30.000 tỷ đồng; hàng năm Chủ tịch nước cũng dành
gần 1.000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết
Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa
được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm
2013-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên
17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần
5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 63.523 sổ với
tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới trên 44.650 nhà tình
nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen cho các đại biểu
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của
thế hệ con cháu chúng ta phải nỗ lực thực hiện, đó chính là việc rà
soát, xác nhận đối với người có công thực sự đến nay chưa vẫn chưa được
xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian vừa
qua, toàn ngành lao động - thương binh và xã hội đã tập trung, quyết
liệt phối hợp với các địa phương chú trọng triển khai công tác này. Đây
là việc làm tuy rất khó khăn, phức tạp do qua các thời kỳ kháng chiến,
hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp cơ quan quản
lý người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân
nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến
cũng không giữ được giấy tờ gốc và không còn bất kì loại giấy tờ nào
ghi nhận sự việc hy sinh, bị thương trong kháng chiến... nhưng với ý chí
quyết tâm của toàn ngành, công tác giải quyết hồ sơ xác nhận người có
công còn tồn đọng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đến nay,
Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xem
xét, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng
(liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) trên toàn
quốc, đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 1.900
liệt sĩ, đồng thời tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt
sĩ. Đặc biệt, trong số liệt sĩ được công nhận có những trường hợp hy
sinh đã mấy chục năm nhưng do không còn thân nhân cùng nhiều yếu tố
khác, đến nay mới được công nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận
trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đối với
những hồ sơ không đủ điều kiện, kết luận và giải thích thấu đáo đối với
đối tượng”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo Công tác chăm sóc NCC cách mạng năm 2018
Những đại biểu có mặt tại Hội nghị này đều là những tấm gương tiêu
biểu, với những câu chuyện rất xúc động về sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo
và ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục của những thương binh, bệnh binh,
cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và thân nhân liệt sĩ trên
nhiều lĩnh vực.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu
Đặc biệt, tại hội nghị có sự hiện diện của 204 thương binh, bệnh binh
qua các thời kỳ kháng chiến. Họ không chỉ là những người chiến sĩ tiêu
biểu với những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh
giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn là những tấm gương vươn
lên chiến thắng thương tật, bệnh tật, không ngại khó khăn phát triển
kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, tham gia tích cực các hoạt
động đền ơn đáp nghĩa, đi tìm đồng đội,...
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước
Trần Đại Quang đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương các Mẹ Việt Nam
Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các
đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có
công với cách mạng đã phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang, nỗ lực
phấn đấu vươn lên, tiếp tục góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc; đánh giá cao và biểu dương Bộ LĐ-TBXH, Báo Nhân
Dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
đã phối hợp tổ chức Hội nghị quan trọng, đầy ý nghĩa này.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách
mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh
binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã làm rạng rỡ dân
tộc, vẻ vang giống nòi”. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi khắc ghi
và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó. Đây là nguồn lực
tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn
quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người
trồng cây” của dân tộc, tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí cả nước tiếp tục
quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác
thương binh, liệt sĩ; chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, thân
nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, coi đây là bổn phận, trách
nhiệm của mỗi người Việt Nam chúng ta”.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã trao tặng Bằng khen cho 355
đại biểu là Người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong xây dựng
và bảo vệ đất nước.