Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bình Dương: Điểm sáng về công tác giảm nghèo

Bình Dương: Điểm sáng về công tác giảm nghèo
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, trong thời gian qua, Bình Dương là một trong những địa phương điển hình của cả nước thành công về công tác giảm nghèo. Với hiệu quả thiết thực từ chương trình giảm nghèo, nhiều hộ nghèo ở Bình Dương đã được thụ hưởng các chủ trương chính sách mới của tỉnh và sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội.

Được biết, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và chính sách bảo lưu đối với hộ vừa thoát nghèo tỉnh giai đoạn 2014-2015. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống; hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1,1 triệu đồng/người/tháng trở xuống. Nghị quyết này cũng quy định, thực hiện bảo lưu các chính sách như hộ nghèo trong thời gian 2 năm đối với hộ vừa thoát nghèo kể từ khi được công nhận thoát nghèo. Thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn mới, đến nay, toàn tỉnh Bình Dương chỉ còn trên 3 nghìn hộ nghèo và trên 4 nghìn hộ cận nghèo.
Được biết, ngay sau khi tái lập tỉnh Bình Dương vào năm 1997, với quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Đặc biệt, chính sách cứu trợ thường xuyên tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng yếu thế; phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “An cư lạc nghiệp” là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo bền vững. Đây được xem là một trong những chính sách riêng của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ “Quỹ vì người nghèo” ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo...
Có được kết quả như trên là do ngay từ ngày đầu thực hiện, nhiều chủ trương mới ở Bình Dương đã được ban hành, từ đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế thực hiện chương trình như cho vay vượt định mức, cho vay mua đất sản xuất. Các chương trình hỗ trợ, nhiều nguồn vốn lồng ghép và tín dụng đều tập trung phục vụ chương trình giảm nghèo. Các chính sách này đã tác động chương trình một cách sâu sắc và toàn diện, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Đồng thời, do điều kiện kinh tế phát triển tác động quyết định đến các giải pháp an sinh xã hội và chương trình mục tiêu giảm nghèo, xã hội hóa mạnh mẽ, sự quan tâm đầu tư đồng bộ nhiều chính sách thiết thực, đã giúp cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đạt được kết quả như trên, Bình Dương có những chính sách đột phá để áp dụng cho chương trình mục tiêu giảm nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương.
Thời gian qua, Bình Dương cũng đã cấp kinh phí hàng tỷ đồng để đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, lao động nằm trong vùng quy hoạch. Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đi sâu sát với từng hộ nghèo để kịp thời có giải pháp giúp đối tượng thoát nghèo. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách và các đoàn thể đã phát huy được tác dụng. Những đối tượng hộ nghèo, học sinh, sinh viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi. Một số chính sách an sinh xã hội như cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho 100% hộ nghèo, hỗ trợ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho hộ cận nghèo.v.v…